Chủ đầu tư không tạm ứng hợp đồng theo điều khoản hợp đồng đã ký kết

Một doanh nghiệp dự án X trong quá trình triển khai dự án về xây dựng – kinh doanh – chuyển giao có câu hỏi như sau:

Doanh nghiệp dự án X đã thực hiện ký kết các hợp đồng tư vấn xây dựng, hợp đồng thi công xây dựng,…trong đó có điều khoản về tạm ứng hợp đồng. Để đảm bảo việc tạm ứng cho Nhà thầu từ nguồn vốn nhà đầu tự có hoặc nguồn vốn huy động là phù hợp với quy định pháp luật hiện hành, doanh nghiệp dự án X cần hướng dẫn hai nội dung sau:

Một là, việc Doanh nghiệp dự án ký kết hợp đồng tư vấn xây dựng, hợp đồng thi công xây dựng,…trong đó có điều khoản tạm ứng với tỷ lệ tạm ứng tối đa 30% giá trị hợp đồng có phù hợp với quy đinh hiện hành không?

Hai là, nếu việc tạm ứng là phù hợp và Nhà thầu đã đáp ứng đầy đủ điều kiện theo quy định tại Hợp đồng đã ký mà Doanh nghiệp dự án không thực hiện tạm ứng hợp đồng thì Doanh nghiệp dự án có bị xem là vi phạm hợp đồng không?

Mô tả

Đối với tình huống này, chuyên gia của chúng tôi trả lời như sau:

Luật đấu thầu số 43/2013/QH13 (Điều 3 khoản 2) quy định trường hợp lựa chọn nhà thầu thực hiện gói thầu thuộc dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư, dự án đầu tư có sử dụng đất của nhà đầu tư được lựa chọn thì doanh nghiệp phải ban hành quy định về lựa chọn nhà thầu đế áp dụng thống nhất trong doanh nghiệp trên cơ sở bảo đảm mục tiêu công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế.

Nghị định số 32/2015/NĐ-CP ngày 25/3/2015 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng (Điều 31 khoản 2 điểm đ) quy định một trong các trách nhiệm của chủ đầu tư là tạm ứng hợp đồng theo các quy định trong hợp đồng đã ký kết với nhà thầu.

Nghị định số 37/2015/NĐ-CP ngày 22/4/2015 của Chính phủ quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng (Điều 18) quy định mức tạm ứng được ghi cụ thể trong hợp đồng trên cơ sở mức tạm ứng nêu trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu. Việc quy định giá trị tạm ứng phải đảm bảo mức tối thiểu theo quy định và không vượt quá 50% giá trị hợp đồng tại thời điểm ký kết hợp đồng (bao gồm cả dự phòng nếu có).

Đối với trường hợp nêu trên, việc lựa chọn nhà thầu các gói thầu thuộc dự án thực hiện theo quy định về lựa chọn nhà thầu do Doanh nghiệp dự án ban hành. Việc tạm ứng cho nhà thầu căn cứ theo hợp đồng kinh tế ký kết giữa nhà thầu với Doanh nghiệp dự án. Theo đó, trường hợp nhà thầu đã thực hiện đầy đủ điều kiện về tạm ứng theo hợp đồng đã ký kết thì Doanh nghiệp dự án có trách nhiệm tạm ứng cho nhà thầu theo đúng giá trị ghi trong hợp đồng trên cơ sở nguồn vốn của dự án (vốn tự có, vốn vay…). Trường hợp trong hợp đồng đã ký quy định cụ thể nội dung (giá trị, điều kiện…) tạm ứng nhưng một bên không thực hiện theo quy định thì sẽ bị xử lý theo hợp đồng hoặc bên còn lại sẽ khởi kiện ra tòa án.

Đáp án trên có thể cần phải hiệu chỉnh do Luật đấu thầu 2023 đã có hiệu lực thi hành. Tuy nhiên, bạn có thể thấy, đáp án của mỗi tình huống đều rất rõ ràng, chính xác, đầy đủ căn cứ pháp lý. Hãy tham gia vào Group của chúng tôi để cùng thảo luận nhé. Ngoài ra, nếu bạn cần, chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ bạn xin hướng dẫn của Cục Quản lý Đấu thầu trong thời gian ngắn nhất;

  1. Group Zalo: Nhấn vào đây!
  2. Group Facebook: Nhấn vào đây!
  3. Group Youtube: Nhấn vào đây!