Không làm rõ về giấy phép bán hàng của nhà sản xuất khi đánh giá HSDT

Công ty X có câu hỏi cho chuyên gia như sau:

Công ty Y là đại diện duy nhất của hãng cung cấp thiết bị (thiết bị A) tại Việt Nam. Trước đây công ty X và Công ty Y đã liên danh với nhau tham dự gói thầu về cung cấp thiết bị A cho Chủ đầu tư Z, trong đó Công ty Y đã thay mặt hãng sản xuất thiết bị cấp thư hỗ trợ cho Liên danh Công ty X và Công ty Y tham dự thầu.

Sau đó, Công ty X tiếp tục tham gia chào hàng cạnh tranh (CHCT) mua sắm hàng hóa thiết bị A với Chủ đầu tư Z. Trong của HSYC của gói thầu này có yêu cầu: “Có giấy phép bán hàng của Nhà sản xuất hoặc giấy ủy quyền bán hàng của đại lý phân phối cho thiết bị A”.

Công ty X đã gửi văn bản đề nghị Công ty Y cấp giấy phép bán hàng của Nhà sản xuất hoặc giấy ủy quyền bán hàng của đại lý phân phối hoặc thư hỗ trợ, tuy nhiên Công ty Y đã không cấp cho Công ty X, trong khi đó lại cấp cho các nhà thầu khác tham dự thầu.

Quá trình đánh giá hồ sơ đề xuất, Chủ đầu tư không yêu cầu Công ty X làm rõ về việc không đính kèm giấy phép bán hàng của Nhà sản xuất hoặc giấy ủy quyền bán hàng của đại lý phân phối hoặc thư hỗ trợ của hãng sản xuất trong hồ sơ đề xuất của mình. Kết quả lựa chọn nhà thầu Chủ đầu tư thông báo Công ty X không trúng thầu, trong đó có lý do là nhà thầu không có thư hỗ trợ của hãng sản xuất thiết bị.

Quá trình đánh giá hồ sơ đề xuất, Chủ đầu tư không yêu cầu nhà thầu bố sung giấy phép bán hàng của Nhà sản xuất hoặc giấy ủy quyền bán hàng của đại lý phân phối hoặc thư hỗ trợ của hãng sản xuất nhưng lại kết luận nhà thầu không trúng thầu do không đính kèm tài liệu nêu trên trong hồ sơ đề xuất, vậy việc đánh giá hồ sơ đề xuất và kết luận của bên mời thầu, chủ đầu tư có phù hợp với quy định của pháp luật về đấu thầu hay không?

Mô tả

Đối với tình huống này, chuyên gia của chúng tôi trả lời như sau:

Luật đấu thầu số 43/2013/QH13 (Điều 23 khoản 1 điểm b ) quy định gói thầu mua sắm hàng hóa được áp dụng hình thức chào hàng cạnh tranh là hàng hoá thông dụng, sẵn có trên thị trường với đặc tính kỹ thuật được tiêu chuẩn hóa và tương đương nhau về chất lượng và có giá gói thầu nằm trong hạn mức quy định tại Điều 57 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP.

Đối với vấn đề nêu trên, trường hợp hàng hóa của gói thầu là thông dụng, sẵn có trên thị trường với đặc tính kỹ thuật được tiêu chuẩn hóa và tương đương nhau về chất lượng thì việc hồ sơ yêu cầu quy định nhà thầu phải có giấy phép bán hàng của nhà sản xuất là không cần thiết và có thể dẫn đến làm hạn chế sự tham gia của các nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng. Trường hợp hàng hóa đặc thù, phức tạp cần gắn với trách nhiệm của nhà sản xuất trong việc cung cấp các dịch vụ sau bán hàng như bảo hành, bảo trì, sửa chữa, cung cấp phụ tùng, vật tư thay thế và các dịch vụ liên quan khác thì có thể yêu cầu nhà thầu tham dự thầu phải cung cấp giấy phép bán hàng của nhà sản xuất hoặc giấy chứng nhận quan hệ đối tác hoặc tài liệu khác có giá trị tương đương. Trong trường hợp này, nếu hồ sơ đề xuất, nhà thầu không đóng kèm giấy phép bán hàng của nhà sản xuất hoặc giấy chứng nhận quan hệ đối tác hoặc tài liệu khác có giá trị tương đương thì bên mời thầu phải yêu cầu nhà thầu bổ sung, làm rõ hoặc nhà thầu có thể tự bổ sung, làm rõ; nhà thầu chỉ được trao hợp đồng sau khi đã đệ trình cho chủ đầu tư giấy phép bán hàng của nhà sản xuất hoặc giấy chứng nhận quan hệ đối tác hoặc tài liệu khác có giá trị tương đương.

Đáp án trên có thể cần phải hiệu chỉnh do Luật đấu thầu 2023 đã có hiệu lực thi hành. Tuy nhiên, bạn có thể thấy, đáp án của mỗi tình huống đều rất rõ ràng, chính xác, đầy đủ căn cứ pháp lý. Hãy tham gia vào Group của chúng tôi để cùng thảo luận nhé. Ngoài ra, nếu bạn cần, chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ bạn xin hướng dẫn của Cục Quản lý Đấu thầu trong thời gian ngắn nhất;

  1. Group Zalo: Nhấn vào đây!
  2. Group Facebook: Nhấn vào đây!
  3. Group Youtube: Nhấn vào đây!