Sai khác bản gốc và bản sao quyết định thành lập ban chỉ huy công trường

Một nhà thầu đang tham gia đấu thầu gói thầu xây lắp phản ánh với chuyên gia như sau:

Theo yêu cầu của HSMT gói thầu A có tiêu chí là nhà thầu phải có chỉ huy trưởng và cán bộ kỹ thuật đã tham gia thi công gói thầu B và có xác nhận của Chủ đầu tư gói thầu B. Nhà thầu chúng tôi cũng dùng gói thầu B là tiêu chí chứng minh hợp đồng tương tự. Gói thầu B đáp ứng đầy đủ các yêu cầu cho gói thầu A. Chủ đầu tư gói thầu B đã xác nhận là công trình thi công hoàn thành đảm bảo tiến độ, chất lượng và có chỉ huy trưởng, cán bộ kỹ thuật.

Trong quá trình chấm thầu bên mời thầu yêu cầu nhà thầu mang bản gốc xác nhận của Chủ đầu tư gói thầu B đến để chứng minh, sau đó bên mời thầu xác minh là bản xác nhận này không trùng khớp với HSDT về quyết định thành lập ban chỉ huy công trường gói thầu B. Sự khác nhau ở đây là nhà thầu đã thay đổi một số cán bộ kỹ thuật so với lúc thành lập ban chỉ huy công trường ban đầu. Nhà thầu đã giải thích là trong quá trình thi công thời gian dài nhiều năm nhà thầu không thay đổi chỉ huy trưởng, chỉ có một số cán bộ kỹ thuật có người xin nghỉ việc, nghỉ phép, có người chuyển công trình khác. Để đảm bảo yêu cầu kịp thời thi công nên nhà thầu đã thay thế các cán bộ này bằng các cán bộ khác có kinh nghiệm trình độ tương đương và có báo với Chủ đầu tư bằng điện thoại và được Chủ đầu tư chấp thuận đúng theo quy định. Nhưng bên mời thầu đã không chấp nhận giải thích của nhà thầu và đã quy kết nhà thầu vi phạm điểm c, khoản 4, điều 89 luật đấu thầu để loại nhà thầu chúng tôi vì nhà thầu chúng tôi bỏ thầu giá thấp nhất trong các nhà thầu tham gia.

Nhà thầu muốn hỏi việc xử lý của bên mời thầu như vậy có phù hợp với quy định của pháp luật?

Mô tả

Đối với tình huống này, chuyên gia của chúng tôi trả lời như sau:

Nghị định số 63/2014/NĐ-CP (Điều 15 khoản 1) quy định việc đánh giá hồ sơ dự thầu phải căn cứ vào tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu và các yêu cầu khác trong hồ sơ mời thầu, căn cứ vào hồ sơ dự thầu đã nộp, các tài liệu giải thích, làm rõ hồ sơ dự thầu của nhà thầu để bảo đảm lựa chọn được nhà thầu có đủ năng lực và kinh nghiệm, có giải pháp khả thi để thực hiện gói thầu.

Đối với trường họp nêu trên, việc đánh giá hồ sơ dự thầu được thực hiện theo quy định nêu trên và thuộc trách nhiệm của bên mời thầu, tổ chuyên gia (Điều 75 và Điều 76 Luật đấu thầu). Theo đó, trường hợp bên mời thầu nhận thấy xác nhận của chủ đầu tư gói thầu B (bản gốc) khác với hồ sơ dự thầu, quyết định thành lập Ban chỉ huy công trường gói thầu B thì cần yêu cầu nhà thầu giải thích, làm rõ hoặc liên hệ trực tiếp với chủ đầu tư gói thầu B để làm rõ theo quy định tại Điều 16 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP. Trường hợp bên mời thầu có bằng chứng cho thấy nhà thầu không trung thực trong việc cung cấp thông tin, tài liệu dẫn đến làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu thì được coi là có hành vi gian lận trong đấu thầu theo quy định tại khoản 4 Điều 89 Luật đấu thầu và sẽ bị xử lý theo quy định khoản 1 Điều 122 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP.

Đáp án trên có thể không còn chính xác do Luật đấu thầu 2023 đã có hiệu lực thi hành. Tuy nhiên, bạn có thể thấy, đáp án của mỗi tình huống đều rất rõ ràng, chính xác, đầy đủ căn cứ pháp lý. Hãy tham gia vào Group của chúng tôi để cùng thảo luận nhé. Ngoài ra, nếu bạn cần, chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ bạn xin hướng dẫn của Cục Quản lý Đấu thầu trong thời gian ngắn nhất;

  1. Group Zalo: Nhấn vào đây!
  2. Group Facebook: Nhấn vào đây!
  3. Group Youtube: Nhấn vào đây!