Xử lý tình huống khi một thành viên liên danh từ chối thực hiện hợp đồng

Một chủ đầu tư X đang quản lý gói thầu xây lắp có tình huống như sau:

Liên danh A+B tham gia đấu thầu (A thực hiện 70% công việc, B thực hiện 30% theo thỏa thuận liên danh) và trúng thầu, trong quá trình thực hiện hợp đồng, A đã hoàn thành đúng phần công việc của mình, tuy nhiên B từ chối thực hiện hợp đồng.

Chủ đầu tư X muốn hỏi cách thức xử lý chấm dứt hợp đồng, xử lý trách nhiệm của nhà thầu và xử lý đối với phần công việc nhà thầu B chưa thực hiện như thế nào cho đúng quy định.

Mô tả

Đối với tình huống này, chuyên gia của chúng tôi trả lời như sau:

Liên danh (A+B) được đánh giá là vi phạm thỏa thuận hợp đồng đã ký nên bảo lãnh thực hiện hợp đồng của cả liên danh nhà thầu (bao gồm thành viên A và B) sẽ không được hoàn trả (theo quy định tại Điều 5 Khoản 3 và Điều 66 Khoản 5 điểm b của Luật đấu thầu số 43), ngoài ra, chủ đầu tư cần chấm dứt hợp đồng với thành viên B và phần công việc của B được xử lý theo 1 trong 2 cách sau:
– Trường hợp A đáp ứng yêu cầu nêu trong HSMT để thực hiện toàn bộ phần công việc B thì xem xét, cho phép A thực hiện, trong trường hợp này, chủ đầu tư phải đảm bảo việc A thay B thực hiện công việc không làm phát sinh chi phí thực hiện hợp đồng so với hợp đồng ký với liên danh A+B.
– Trường hợp A không đáp ứng năng lực theo yêu cầu của HSMT hoặc A từ chối thực hiện phần công việc của B thì chủ đầu tư xem xét, xử lý tình huống theo quy định tại Khoản 11, Điều 117 Nghị định 63/2014/NĐ-CP: “Trường hợp nhà thầu thực hiện gói thầu vi phạm hợp đồng, không còn năng lực để tiếp tục thực hiện hợp đồng, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ, chất lượng, hiệu quả của gói thầu thì chủ đầu tư xem xét, báo cáo người có thẩm quyền quyết định cho phép chấm dứt hợp đồng với nhà thầu đó, phần khối lượng công việc chưa thực hiện được áp dụng hình thức chỉ định thầu hoặc các hình thức lựa chọn nhà thầu khác trên cơ sở bảo đảm chất lượng, tiến độ của gói thầu. Giá trị phần khối lượng công việc chưa thực hiện giao cho nhà thầu mới được tính bằng giá trị ghi trong hợp đồng trừ đi giá trị của phần khối lượng công việc đã thực hiện trước đó. Trường hợp áp dụng hình thức chỉ định thầu, người có thẩm quyền phải bảo đảm nhà thầu được chỉ định có năng lực, kinh nghiệm đáp ứng yêu cầu thực hiện phần công việc còn lại của gói thầu. Trường hợp việc thực hiện hợp đồng chậm tiến độ không do lỗi của nhà thầu thì không được phép chấm dứt hợp đồng để thay thế nhà thầu khác. Trường hợp phải chấm dứt hợp đồng với nhà thầu vi phạm để thay thế nhà thầu mới, trong vòng 05 ngày làm việc, kể từ ngày ban hành quyết định chấm dứt hợp đồng với nhà thầu vi phạm, chủ đầu tư phải gửi thông báo đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư để xem xét, đăng tải thông tin nhà thầu vi phạm trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia và Báo đấu thầu; trong thông báo phải nêu rõ lý do nhà thầu vi phạm dẫn tới phải chấm dứt hợp đồng, hình thức lựa chọn nhà thầu thay thế, tên nhà thầu được chỉ định trong trường hợp áp dụng hình thức chỉ định thầu”.

Đáp án sẽ phải hiệu chỉnh theo Luật đấu thầu 2023. Tuy nhiên, bạn có thể thấy, mỗi đáp án đều được tham chiếu theo các quy định pháp luật cụ thể, chính xác, thể hiện tính chuyên nghiệp cao. Hãy tham gia vào Group của chúng tôi để cùng thảo luận nhé. Ngoài ra, nếu cần, chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ bạn xin hướng dẫn bằng Văn bản của Cục Quản lý Đấu thầu trong thời gian ngắn nhất;

  1. Group Zalo: Nhấn vào đây!
  2. Group Facebook: Nhấn vào đây!
  3. Group Youtube: Nhấn vào đây!