Việc thay đổi nguồn gốc xuất xứ hàng hóa trong quá trình làm rõ hồ sơ dự thầu có hợp lệ

Công ty A đang lựa chọn nhà thầu theo hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước 1 thiết bị. Trong hồ sơ mời thầu yêu cầu thiết bị có xuất xứ từ các nước G7 thì được ưu tiên và đưa vào giá đánh giá.

Hiện có 1 nhà thầu chào thiết bị ghi xuất xứ tại Italy (có chứng chỉ xuất xứ hàng hóa CO). Trong thông tin kỹ thuật của hồ sơ dự thầu của nhà thầu thì ghi thiết bị được hoàn thiện tại 1 nhà máy Timsan ở Italy.

Tuy nhiên, khi Công ty A tìm hiểu thì nhà máy Timsan chỉ có ở Thổ Nhĩ Kỳ mà không có ở Italy, ngoài ra trong hồ sơ dự thầu nhà thầu cung cấp các hợp đồng tương tự thì các thiết bị đều sản xuất tại nhà máy Timsan tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Công ty A đã gửi công văn yêu cầu nhà thầu làm rõ và cung cấp địa chỉ nhà máy Timsan tại Italy và được nhà thầu trả lời là thiết bị được sản xuất và hoàn thiện tại nhà máy của tập đoàn Fresia tại Italy – nhà sản xuất OEM của Timsan.

Do đó, Công ty A đã xác định Timsan không có nhà máy sản xuất tại Italy như trong hồ sơ dự thầu của nhà thầu.

Hỏi: Trường hợp nhà thầu có hồ sơ dự thầu và công văn làm rõ có sự mâu thẫu như trên thì có được xem là “Không bảo đảm nguyên tắc không làm thay đổi bản chất của nhà thầu tham dự thầu, không làm thay đổi nội dung cơ bản của hồ sơ dự thầu đã nộp” không? Thiết bị này có được xem là thiết bị có xuất xứ tại Italy không?

Mô tả

Về vấn đề này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có ý kiến như sau:

Khoản 1, Điều 15 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định việc đánh giá hồ sơ dự thầu phải căn cứ vào tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu và các yêu cầu khác trong hồ sơ mời thầu, căn cứ vào hồ sơ dự thầu đã nộp, các tài liệu giải thích, làm rõ hồ sơ dự thầu của nhà thầu để bảo đảm lựa chọn được nhà thầu có đủ năng lực và kinh nghiệm, có giải pháp khả thi để thực hiện gói thầu.

Theo quy định tại Khoản 1, Điều 16 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP, đối với các nội dung đề xuất về kỹ thuật, tài chính nêu trong hồ sơ dự thầu của nhà thầu, việc làm rõ phải bảo đảm nguyên tắc không làm thay đổi nội dung cơ bản của hồ sơ dự thầu đã nộp, không thay đổi giá dự thầu.

Theo hướng dẫn tại Mục 5.3 Chương I Mẫu hồ sơ mời thầu hàng hóa một giai đoạn một túi hồ sơ ban hành kèm theo Thông tư số 05/2015/TT-BKHĐT ngày 16/6/2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để chứng minh tính hợp lệ của hàng hóa và dịch vụ liên quan theo quy định tại Mục 5,1 CDNT, nhà thầu cần nêu rõ xuất xứ của hàng hóa, ký mã hiệu, nhãn mác của hàng hóa và các tài liệu kèm theo để chứng minh tính hợp lệ của hàng hoá theo quy định tại Bảng dữ liệu.

Theo đó, việc đánh giá, làm rõ hồ sơ dự thầu (trong đó có nội dung xuất xứ hàng hóa) thực hiện theo quy định nêu trên và thuộc trách nhiệm của tổ chuyên gia, bên mời thầu.

Trường hợp sau quá trình làm rõ, nếu nhà thầu cung cấp đủ tài liệu chứng minh thiết bị đã đề xuất trong hồ sơ dự thầu có xuất xứ từ Italia thì yếu tố xuất xứ hàng hóa này sẽ được xem xét, đánh giá theo quy định của hồ sơ mời thầu.

Trường hợp nhà thầu tự động đổi hàng hóa đã chào sang hàng hóa khác (của nhà sản xuất khác) thì văn bản làm rõ của nhà thầu không được xem xét, đánh giá.

Hiện nay, Luật đấu thầu 2023 đã có hiệu lực thi hành. Rất vui mừng chào đón bạn tham gia vào Group của chúng tôi để cùng thảo luận. Xin trân trọng cảm ơn!

  1. Group Zalo: Nhấn vào đây!
  2. Group Facebook: Nhấn vào đây!
  3. Group Youtube: Nhấn vào đây!