Xử lý vi phạm thế nào đối với hành vi thông thầu

Trong quá trình xét thầu, tổ chuyên gia đã phát hiện 03 nhà thầu có rất nhiều bằng chứng chứng mình 03 nhà thầu thông thầu với nhau. Ví dụ như: 03 bộ hồ sơ có format gần giống nhau, đặc biệt là 02 nhà phụ gần như là giống nhau, chỉ khác nhau về giá dự thầu. 02 cán bộ của 02 công ty (tạm thời xác định là phụ) không biết gì về công ty mà mình đang đi đấu thầu (trong hồ sơ yêu cầu có đề nghị đại diện hợp pháp của nhà thầu đến nộp hồ sơ và phỏng vấn trực tiếp). Tổ chuyên gia có thực hiện gọi điện trực tiếp cho 01 giám đốc (bật loa ngoài) thì ông này nói có cử anh A đi tham gia, nhưng thực tế anh A lại đang đi đấu thầu cho công ty B.

Vậy trường hợp này nên xử lý như thế nào? Ví dụ: có được phạt kinh phí bảo lãnh dự thầu mà 03 nhà thầu đã nộp không?

Mô tả

Đối với tình huống này, chuyên gia của chúng tôi trả lời như sau:

Khoản 3 Điều 89 của Luật đấu thầu 2013 quy định về hành vi thông thầu:

“3. Thông thầu, bao gồm các hành vi sau đây:

a) Thỏa thuận về việc rút khỏi việc dự thầu hoặc rút đơn dự thầu được nộp trước đó để một hoặc các bên tham gia thỏa thuận thắng thầu;

b) Thỏa thuận để một hoặc nhiều bên chuẩn bị hồ sơ dự thầu cho các bên tham dự thầu để một bên thắng thầu;

c) Thỏa thuận về việc từ chối cung cấp hàng hóa, không ký hợp đồng thầu phụ hoặc các hình thức gây khó khăn khác cho các bên không tham gia thỏa thuận”.

Như vậy, khi đã đủ bằng chứng để chứng minh nhà thầu vi phạm một trong các hành vi trên thì nhà thầu sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật về đấu thầu.

Các hành vi xử phạt được quy định tại Điều 121 Nghị định 63/2014/NĐ-CP như sau:

– Cảnh cáo, phạt tiền được áp dụng đối với tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về đấu thầu theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư.

– Cấm tham gia hoạt động đấu thầu được áp dụng đối với tổ chức, cá nhân vi phạm quy định tại Điều 89 của Luật Đấu thầu và Khoản 8 Điều 12 của Nghị định này.

– Truy cứu trách nhiệm hình sự đối với cá nhân vi phạm pháp luật về đấu thầu mà cấu thành tội phạm theo quy định pháp luật về hình sự.

– Đối với cán bộ, công chức có hành vi vi phạm pháp luật về đấu thầu còn bị xử lý theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức.

Bên cạnh đó, các Điều 122, 123, 124 còn quy định chi tiết các hình thức xử lý vi phạm như sau:

Hình thức cấm tham gia quá trình lựa chọn nhà thầu:

Tùy theo mức độ vi phạm mà áp dụng hình thức cấm tham gia hoạt động đấu thầu đối với tổ chức, cá nhân, cụ thể như sau:

– Cấm tham gia hoạt động đấu thầu từ 03 năm đến 05 năm đối với một trong các hành vi vi phạm các Khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều 89 của Luật Đấu thầu;

– Cấm tham gia hoạt động đấu thầu từ 01 năm đến 03 năm đối với một trong các hành vi vi phạm các Khoản 8 và 9 Điều 89 của Luật Đấu thầu;

– Cấm tham gia hoạt động đấu thầu từ 06 tháng đến 01 năm đối với một trong các hành vi vi phạm các Khoản 6 và 7 Điều 89 của Luật Đấu thầu;

– Cấm tham gia hoạt động đấu thầu từ 01 năm đến 05 năm đối với hành vi vi phạm việc sử dụng lao động quy định tại Khoản 8 Điều 12 của Nghị định này.

Hủy, đình chỉ, không công nhận kết quả lựa chọn nhà thầu:

– Hủy thầu là biện pháp của người có thẩm quyền, chủ đầu tư và bên mời thầu để xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về đấu thầu và các quy định khác của pháp luật liên quan của tổ chức, cá nhân khác tham gia hoạt động đấu thầu bằng cách ban hành quyết định hủy thầu theo quy định tại Khoản 4 Điều 73, Khoản 10 Điều 74 và Điểm e Khoản 2 Điều 75 của Luật Đấu thầu 2013.

– Đình chỉ cuộc thầu, không công nhận kết quả lựa chọn nhà thầu, tuyên bố vô hiệu đối với các quyết định của chủ đầu tư, bên mời thầu, cụ thể như sau:

+ Đình chỉ cuộc thầu, không công nhận kết quả lựa chọn nhà thầu được áp dụng khi có bằng chứng cho thấy tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động đấu thầu có hành vi vi phạm pháp luật về đấu thầu hoặc các quy định khác của pháp luật có liên quan dẫn đến không bảo đảm mục tiêu của công tác đấu thầu là cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế hoặc làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu;

+ Biện pháp đình chỉ được áp dụng để khắc phục ngay vi phạm đã xảy ra và được thực hiện đến trước khi phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu. Biện pháp không công nhận kết quả lựa chọn nhà thầu được thực hiện từ ngày phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu đến trước khi ký kết hợp đồng; trong trường hợp cần thiết có thể áp dụng sau khi ký kết hợp đồng;

+ Trong văn bản đình chỉ, không công nhận kết quả lựa chọn nhà thầu phải nêu rõ lý do, nội dung, biện pháp và thời gian để khắc phục vi phạm về đấu thầu;

+ Biện pháp tuyên bố vô hiệu đối với các quyết định của chủ đầu tư, bên mời thầu do người có thẩm quyền quyết định khi phát hiện các quyết định của chủ đầu tư, bên mời thầu không phù hợp quy định pháp luật về đấu thầu và pháp luật có liên quan.

Bồi thường thiệt hại do vi phạm pháp luật về đấu thầu: Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về đấu thầu gây thiệt hại thì phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật về bồi thường thiệt hại và các quy định khác của pháp luật liên quan.

Ngoài ra, cá nhân có hành vi thông thầu, gian lận trong đấu thầu, cản trở hoạt động đấu thầu, vi phạm quy định về minh bạch, công bằng trong hoạt động đấu thầu có nguy cơ sẽ bị phạt tù, thông thầu sẽ bị truy tố, mức hình phạt cao nhất lên đến 20 năm tù giam nếu như hành vi vi phạm gây thiệt hại từ 1 tỷ đồng trở lên theo quy định tại Điều 222 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Đáp án sẽ phải hiệu chỉnh theo Luật đấu thầu 2023. Tuy nhiên, bạn có thể thấy, mỗi đáp án đều được tham chiếu theo các quy định pháp luật cụ thể, chính xác, thể hiện tính chuyên nghiệp cao. Hãy tham gia vào Group của chúng tôi để cùng thảo luận nhé. Ngoài ra, nếu cần, chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ bạn xin hướng dẫn bằng Văn bản của Cục Quản lý Đấu thầu trong thời gian ngắn nhất;

  1. Group Zalo: Nhấn vào đây!
  2. Group Facebook: Nhấn vào đây!
  3. Group Youtube: Nhấn vào đây!