Gửi công văn làm rõ hiệu lực HSDT sau thời điểm đóng thầu có hợp lệ?

Công ty DP có câu hỏi cho chuyên gia như sau:

Theo quy định của HSMT: “Hồ sơ dự thầu (HSDT) phải có hiệu lực > 120 ngày kể từ ngày có thời điểm đóng thầu. HSDT nào có thời hạn hiệu lực ngắn hơn quy định sẽ không được tiếp tục xem xét, đánh giá”. (Ngày đóng thầu theo quy định trong Hồ sơ mời thầu là lúc 10 giờ ngày 17/09/2018).

Khi mở thầu, Nhà thầu A đã ghi nội dung hiệu lực của Hồ sơ dự thầu trong đơn dự thầu là: “Hồ sơ đề xuất này có hiệu lực trong thời gian 60 ngày, kể từ ngày 17 tháng 09 năm 2018”. Trong biên bản mở thầu cũng đã ghi hiệu lực Hồ sơ dự thầu của nhà thầu này là 60 ngày kể từ ngày 17/9/2018, nhà thầu A có tham dự mở thầu và đã ký xác nhận. Sau đó, ngày 18 tháng 9 năm 2018 nhà thầu đã gửi công văn làm rõ về thời gian có hiệu lực của hồ sơ dự thầu, với nội dung: “Do biết thông tin về gói thầu muộn (16h ngày 14/9/2018) nên thời gian làm bài thầu gấp. Do vậy, không thể tránh khỏi sai sót nên đã đánh thiếu số 1 trước số 60. Nhưng rất mong Chủ đầu tư xem xét chấp thuận sự nhầm lẫn này”.

Công văn của nhà thầu gửi đến sau thời gian mở thầu nên được coi là công văn làm rõ Hồ sơ dự thầu. Nội dung công văn đã điều chỉnh hiệu lực của hồ sơ dự thầu của nhà thầu từ 60 ngày lên 160 ngày. Như vậy, việc làm rõ hồ sơ dự thầu của nhà thầu đã làm thay đổi bản chất của hồ sơ dự thầu đã nộp. Công ty DP hỏi việc làm rõ về thời gian có hiệu lực của Hồ sơ dự thầu như vậy có được chấp thuận không?

Description

Đối với tình huống này, chuyên gia của chúng tôi trả lời như sau:

Nghị định số 63/2014/NĐ-CP (Điều 15 khoản 1) quy định việc đánh giá hồ sơ dự thầu (HSDT) phải căn cứ vào tiêu chuẩn đánh giá HSDT và các yêu cầu khác trong HSMT, căn cứ vào HSDT đã nộp, các tài liệu giải thích, làm rõ HSDT của nhà thầu để bảo đảm lựa chọn được nhà thầu có đủ năng lực và kinh nghiệm, có giải pháp khả thi để thực hiện gói thầu.

Đối với trường hợp này, việc đánh giá HSDT phải tuân thủ theo quy định nêu trên và thuộc trách nhiệm của tổ chuyên gia, bên mời thầu. Trường hợp HSMT yêu cầu thời gian có hiệu lực của HSDT >120 ngày, HSDT của nhà thầu chào thời gian có hiệu lực 60 ngày thì được coi là không đáp ứng yêu cầu của HSMT về thời gian có hiệu lực của HSDT. Theo đó, HSDT của nhà thầu được đánh giá là không hợp lệ và không được tiếp tục xem xét.

Trên đây là câu trả lời theo quy định của pháp luật về đấu thầu năm 2013, chúng tôi sẽ hiệu chỉnh theo quy định theo pháp luật về đấu thầu năm 2023. Tuy nhiên, bạn có thể thấy, mỗi đáp án đều được tham chiếu theo các quy định pháp luật cụ thể, chính xác, thể hiện tính chuyên nghiệp cao của chúng tôi. Xin mời bạn theo dõi Chuyên mục Tình huống Đấu thầu để có nhiều thông tin bổ ích!

Ps: Tình huống của bạn là gì? Hãy liên lạc với chúng tôi, chúng tôi sẽ giải đáp giúp bạn. Nếu bạn cần tính pháp lý của câu trả lời, chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ bạn xin hướng dẫn bằng Văn bản của Cục Quản lý Đấu thầu – Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong thời gian ngắn nhất!

Mọi thông tin xin liên hệ:

Hân hạnh chào đón Bạn tham gia Cộng đồng Đấu thầu dưới đây để chúng ta cùng thảo luận mọi vấn đề xảy ra trong hoạt động đấu thầu.

Xin trân trọng cảm ơn!