Xem xét đối với trường hợp hồ sơ dự thầu của hai nhà thầu có hàng trăm trang có nội dung giống nhau

Bên mời thầu đã tổ chức đấu thầu rộng rãi gói thầu mua sắm hàng hóa và dịch vụ. Quá trình đánh giá HSDT của các nhà thầu, Bên mời thầu phát hiện tình huống như sau:

a) Trong số các HSDT của nhà thầu tham gia dự thầu, HSDT của Nhà thầu A và B có hàng trăm trang giống hệt nhau kể cả hình thức trình bày (cách dòng, phân trang, đoạn, chấm câu) và nội dung.

b) Tên của Nhà thầu A xuất hiện nhiều lần trong HSDT của Nhà thầu B. theo đó, Nhà thầu B phải thực hiện công việc theo quy định của Nhà thầu A hoặc phải báo cáo công việc cho Nhà thầu A.

Để đảm bảo công bằng, minh bạch, cạnh tranh, công khai, Bên mời thầu đã mời hai Nhà thầu A và B đến giải thích và làm rõ các nội dung nêu trên, dưới đây là giải thích của các Nhà thầu:

(1) Nhà thầu A giải thích:

– Chỉ có HSDT của Nhà thầu B giống HSDT của Nhà thầu A và không có chuyện ngược lại;

– Sự giống nhau có thể là do trùng hợp ngẫu nhiên, hoặc do Nhà thầu B đã chép của Nhà thầu A qua 1 bên thứ ba nào đó.

(2)     Nhà thầu B giải thích:

– Nhà thầu B đã mua quy trình nghiệp vụ của Nhà thầu C và thuê Nhà thầu C tư vấn lập HSDT. Luật pháp không cấm điều này;

Trên cơ sở tìm hiểu đăng ký kinh doanh của Nhà thầu A và C, xem xét kỹ hợp đồng thuê lập HSDT và chuyển giao bản quyền quy trình nghiệp vụ giữa B và C, Bên mời thầu đã yêu cầu Nhà thầu B giải thích nội dung sau đây:

  • Nhà thầu C là nhà thầu có 100% vốn góp từ Nhà thầu A và các cổ đông sáng lập của Nhà thầu A, tại sao B lại ký hợp đồng lập HSDT với C, một đơn vị quan hệ mật thiết với A và là đối thủ trực tiếp của B trong cuộc thầu này?
  • Pháp luật đấu thầu không cấm việc mua quy trình nghiệp vụ mẫu nhưng HSMT yêu cầu thực hiện công việc theo yêu cầu cụ thể của chủ đầu tư, áp dụng cho một công trình cụ thể, phù hợp năng lực sản xuất riêng của nhà thầu thì tại sao phần trình bày nghiệp vụ này lại giống hệt nhau?
  • Tại sao trong quá trình tác nghiệp khi trúng thầu được giao hợp đồng, Nhà thầu B lại phải thực hiện theo quy định của Nhà thầu A và phải trao đổi thông tin với Nhà thầu A để thực hiện công việc?
  • Tại sao có những nội dung của HSDT không nằm trong thỏa thuận mua bán quy trình nghiệp vụ mẫu lại cũng giống nhau?

Bên mời thầu có quyền kết luận những giải thích của Nhà thầu A và B là chưa rõ, chưa đủ sức thuyết phục hay không? Để đảm bảo khách quan, cạnh tranh của cuộc thầu, Bên mời thầu có quyền loại HSDT của Nhà thầu A và B hay không?

Description

Đối với tình huống này, chuyên gia của chúng tôi trả lời như sau:

Luật đấu thầu (Điều 89 khoản 3) quy định một trong các hành vi thông thầu là thỏa thuân để một hoặc nhiều bên chuẩn bị hồ sơ dự thầu (HSDT) cho các bên tham dự thấu để một bên thắng thầu.

Nghị định số 63/2014/NĐ-CP (Điều 16 khoản 1) quy định sau khi mở thầu, nhà thầu có trách nhiệm làm rõ HSDT theo yêu cầu của bên mời thầu.

Đối với trường hợp này, khi HSDT của nhà thầu A và nhà thầu B có hàng trăm trang giống hệt nhau, kể cả lỗi chính tả, cách dòng, phân đoạn, chấm câu… đồng thời tên của nhà thầu A xuất hiện nhiều trong HSDT của nhà thầu B thì việc bên mời thầu yêu cầu các nhà thầu làm rõ là cần thiết và phù hợp với quy định của pháp luật đấu thầu. Trường hợp các nhà thầu A, B thừa nhận cùng sử dụng bên thứ ba (là công ty 100% vốn của công ty A) để chuẩn bị HSDT cho mình, đồng thời việc giải thích của nhà thầu đối với các nội dung giống nhau của 2 HSDT không đủ rõ ràng, không có tính thuyết phục thì có thể coi là hành vi thông thầu theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 89 Luật đấu thầu và bên mời thầu phải báo cáo chủ đầu tư, người có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Trường hợp chủ đầu tư kết luận nhà thầu A, nhà thầu B có hành vi thông thầu và HSDT của hai nhà thầu này bị loại thì người có thẩm quyền cần ban hành quyết định cấm tham gia hoạt động đấu thầu đối với hai nhà thầu này; quyết định được gửi cho nhà thầu đồng thời gửi đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, theo dõi, đang tải trên Báo đấu thầu, hệ thống mạng đấu thầu quốc gia theo quy định tại điểm a khoản 3 và khoản 4 Điều 90 Luật đấu thầu. Theo đó, hai nhà thầu này sẽ bị cấm tham dự thầu từ 3 đến 5 năm theo quy định tại khoản 1 Điều 122 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP.

Trên đây là câu trả lời theo quy định của pháp luật về đấu thầu năm 2013, chúng tôi sẽ hiệu chỉnh theo quy định theo pháp luật về đấu thầu 2023. Tuy nhiên, bạn có thể thấy, mỗi đáp án đều được tham chiếu theo các quy định pháp luật cụ thể, chính xác, thể hiện tính chuyên nghiệp cao của chúng tôi. Để có thêm thông tin hữu ích, xin mời bạn theo dõi Chuyên mục Tình huống Đấu thầu của chúng tôi!

Tình huống của bạn là gì? Hãy liên lạc với chúng tôi, chúng tôi sẽ giải đáp giúp bạn. Ngoài ra, nếu bạn cần tính pháp lý, chúng tôi sẽ hỗ trợ bạn xin hướng dẫn bằng Văn bản của Cục Quản lý Đấu thầu – Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong thời gian ngắn nhất!

Mọi thông tin xin liên hệ:

Ps: Hân hạnh chào đón Bạn tham gia Cộng đồng Đấu thầu dưới đây để chúng ta cùng thảo luận mọi vấn đề xảy ra trong hoạt động đấu thầu. Xin trân trọng cảm ơn!