Đối với tình huống này, chuyên gia của chúng tôi trả lời như sau:
Luật đấu thầu (Điều 89 khoản 3) quy định một trong các hành vi thông thầu là thỏa thuân để một hoặc nhiều bên chuẩn bị hồ sơ dự thầu (HSDT) cho các bên tham dự thấu để một bên thắng thầu.
Nghị định số 63/2014/NĐ-CP (Điều 16 khoản 1) quy định sau khi mở thầu, nhà thầu có trách nhiệm làm rõ HSDT theo yêu cầu của bên mời thầu.
Đối với trường hợp này, khi HSDT của nhà thầu A và nhà thầu B có hàng trăm trang giống hệt nhau, kể cả lỗi chính tả, cách dòng, phân đoạn, chấm câu… đồng thời tên của nhà thầu A xuất hiện nhiều trong HSDT của nhà thầu B thì việc bên mời thầu yêu cầu các nhà thầu làm rõ là cần thiết và phù hợp với quy định của pháp luật đấu thầu. Trường hợp các nhà thầu A, B thừa nhận cùng sử dụng bên thứ ba (là công ty 100% vốn của công ty A) để chuẩn bị HSDT cho mình, đồng thời việc giải thích của nhà thầu đối với các nội dung giống nhau của 2 HSDT không đủ rõ ràng, không có tính thuyết phục thì có thể coi là hành vi thông thầu theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 89 Luật đấu thầu và bên mời thầu phải báo cáo chủ đầu tư, người có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Trường hợp chủ đầu tư kết luận nhà thầu A, nhà thầu B có hành vi thông thầu và HSDT của hai nhà thầu này bị loại thì người có thẩm quyền cần ban hành quyết định cấm tham gia hoạt động đấu thầu đối với hai nhà thầu này; quyết định được gửi cho nhà thầu đồng thời gửi đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, theo dõi, đang tải trên Báo đấu thầu, hệ thống mạng đấu thầu quốc gia theo quy định tại điểm a khoản 3 và khoản 4 Điều 90 Luật đấu thầu. Theo đó, hai nhà thầu này sẽ bị cấm tham dự thầu từ 3 đến 5 năm theo quy định tại khoản 1 Điều 122 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP.