Có thể đưa ra hệ số xác định giá đánh giá cho từng loại hàng hóa căn cứ vào tỷ lệ hao mòn sản phẩm để xếp hạng HSDT

Một bên mời thầu đang xây dựng hồ sơ mời thầu cho gói thầu mua sắm hàng hóa có câu hỏi như sau:

Căn cứ hướng dẫn về việc xác định giá đánh giá quy định tại Bước 5, Điểm 5.2, Mục 5, Chương III – Mầu hồ sơ mời thầu mua sắm hàng hóa áp dụng phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ ban hành kèm theo Thông tư số 05/2015/TT-BKHĐT ngày 16/06/2015 của Bộ kế hoạch và Đầu tư quy định chi tiết lập hồ sơ mời thầu mua sắm hàng hóa, bên mời thầu dự kiến đưa ra công thức xác định giá đánh giá như sau:

Gđg = G + Δ1 + Δ2

Trong đó:     Gđg: Là giá đánh giá

G: Là giá dự thầu sau sửa lỗi và hiệu chỉnh sai lệch trừ đi giảm giá

Δ1: Là giá trị phải cộng thêm đối với đối tượng không được hưởng ưu đãi theo quy định tại Mục 31 CDNT (nếu có);

Δ2:  Yếu tố quy đổi hàng hóa được xác định như sau:  Δ2 = G.k

k:  là hệ số xuất xứ:

+ Hàng hóa có xuất xứ từ các nước G7: k = 1;

+ Hàng hóa có xuất xứ từ các nước khác: k = 1,3;

Cơ sở để xác định hệ số k:

+ Cơ sở pháp lý: Bên mời thầu đã tìm hiểu nhưng chưa tìm thấy văn bản pháp lý nào quy định về điều này và kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư hỗ trợ hướng dẫn.

+ Cơ sở thực tiễn: Bên mời thầu đang sử dụng một số loại thiết bị tương đương có xuất xứ từ các nước G7, Trung Quốc,… Tuy nhiên trong quá trình đánh giá xác định giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa thì giá trị hao mòn (tuổi thọ còn lại) của các thiết bị có xuất xứ khác nhau thì khác nhau (với cùng một điều kiện làm việc; công tác bảo dưỡng, sửa chữa được thực hiện đúng theo quy định của Nhà chế tạo).

Hơn nữa để đảm bảo tình trạng kỹ thuật cho các thiết bị, chi phí bảo dưỡng sửa chữa của các thiết bị tương đương có xuất xứ khác nhau cũng khác nhau. Bình quân một thiết bị có xuất xứ từ các nước G7 có chi phí bảo dưỡng, sửa chữa chỉ bằng 50% so với thiết bị có xuất xứ từ các nước khác nếu hoạt động trong cùng một chu kỳ như nhau.

Từ những căn cứ trên, Bên mời thầu kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn có thể áp dụng cách xác định giá đánh giá như trên trong hồ sơ mời thầu không?

Mô tả

Đối với tình huống này, chuyên gia của chúng tôi trả lời như sau:

Nghị định số 63/2014/NĐ-CP (Điều 12 khoản 3 điểm d) quy định các yếu tố được quy về một mặt bằng cho cả vòng đời sử dụng của hàng hóa đối với công thức xác định giá đánh giá bao gồm: (i) chi phí vận hành, bảo dưỡng; (ii) chi phí lãi vay (nếu có); (iii) tiến độ; (iv) chất lượng (hiệu suất, công suất); (v) xuất xứ; (vi) các yếu tố khác (nếu có).

Đối với trường hợp nêu trên, căn cứ quy mô, tính chất của gói thầu, chủ đầu tư chịu trách nhiệm trong việc lựa chọn các yếu tố đưa chi phí về một mặt bằng cho phù hợp cũng như phải bảo đảm tính khoa học, hợp lý trong việc quy định công thức tính toán, quy đổi các yếu tố liên quan đến việc thực hiện gói thầu thành tiền để xác định giá đánh giá trong hồ sơ mời thầu. Do đó, trường hợp trong hồ sơ mời thầu chủ đầu tư đưa ra công thức xác định giá đánh giá căn cứ vào xuất xứ của hàng hóa tương ứng với một hệ số thì cần phải đưa ra cách giải thích lý do vì sao áp dụng công thức đó, tức là công thức đưa ra phải khoa học, khách quan, tránh gây bất lợi cho các nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng.

Đáp án trên có thể cần phải hiệu chỉnh do Luật đấu thầu 2023 đã có hiệu lực thi hành. Tuy nhiên, bạn có thể thấy, đáp án của mỗi tình huống đều rất rõ ràng, chính xác, đầy đủ căn cứ pháp lý. Hãy tham gia vào Group của chúng tôi để cùng thảo luận nhé. Ngoài ra, nếu bạn cần, chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ bạn xin hướng dẫn của Cục Quản lý Đấu thầu trong thời gian ngắn nhất;

  1. Group Zalo: Nhấn vào đây!
  2. Group Facebook: Nhấn vào đây!
  3. Group Youtube: Nhấn vào đây!