Đối với tình huống này, chuyên gia của chúng tôi trả lời như sau:
Khoản 3, Điều 5 Luật Đấu thầu quy định nhà thầu có tư cách hợp lệ theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này được tham dự thầu với tư cách độc lập hoặc liên danh; trường hợp liên danh phải có văn bản thỏa thuận giữa các thành viên, trong đó quy định rõ trách nhiệm của thành viên đứng đầu liên danh và trách nhiệm chung, trách nhiệm riêng của từng thành viên trong liên danh.
Theo hướng dẫn tại Mục 2 Chương III của Mẫu HSMT mua sắm hàng hóa áp dụng phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ (Mẫu số 02) ban hành kèm theo Thông tư số 05/2015/TT-BKHĐT ngày 16/6/2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đối với nhà thầu liên danh thì năng lực, kinh nghiệm được xác định bằng tổng năng lực, kinh nghiệm của các thành viên liên danh song phải bảo đảm từng thành viên liên danh đáp ứng năng lực, kinh nghiệm đối với phần việc mà thành viên đó đảm nhận trong liên danh; nếu bất kỳ thành viên nào trong liên danh không đáp ứng về năng lực, kinh nghiệm thì nhà thầu liên danh được đánh giá là không đáp ứng yêu cầu.
Theo đó, trường hợp nhà thầu liên danh trúng thầu thì từng thành viên trong liên danh có trách nhiệm thực hiện phần công việc thuộc trách nhiệm của mình theo phân công trong thỏa thuận liên danh mà không được ủy quyền cho thành viên khác trong liên danh thực hiện.
Trường hợp nhà thầu chuyển nhượng cho nhà thầu khác phần công việc thuộc gói thầu có giá trị từ 10% trở lên hoặc dưới 10% nhưng trên 50 tỷ đồng (sau khi trừ phần công việc thuộc trách nhiệm của nhà thầu phụ) tính trên giá hợp đồng đã ký kết thì nhà thầu có hành vi chuyển nhượng thầu quy định tại Điểm a, Khoản 8 Điều 89 Luật Đấu thầu.