Đối với tình huống này, chuyên gia của chúng tôi trả lời như sau:
Luật đấu thầu (Điều 4 khoản 17) quy định giá dự thầu là giá do nhà thầu ghi trong đơn dự thầu, báo giá, bao gồm toàn bộ các chi phí để thực hiện gói thầu theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu.Theo đó, mức tỷ lệ tạm ứng trong hồ sơ mời thầu là một trong các yếu tố để nhà thầu chào giá dự thầu.
Trường hợp gói thầu chỉ có một nhà thầu vượt qua bước đánh giá về kỹ thuật, được mời vào mở hồ sơ đề xuất tài chính, trong quá trình thương thảo hợp đồng, nhà thầu đề xuất tăng tỷ lệ tạm ứng so với mức quy định trong hồ sơ mời thầu và cam kết sẽ bắt đầu công việc ngay sau khi hợp đồng ký kết có hiệu lực thì chủ đầu tư, bên mời thầu cần phải xem xét đến đề xuất của nhà thầu. Trường hợp, nhà thầu chứng minh rằng khoản tiền tạm ứng được sử dụng đúng mục đích, đúng đối tượng, nhằm để trả lương cho người lao động, mua hoặc huy động thiết bị, nhà xưởng, vật tư và các chi phí huy động cần thiết cho việc thực hiện Họp đồng (bao gồm cả việc cam kết sẽ bắt đầu công việc ngay sau khi hợp đồng ký kết có hiệu lực) thì việc đề xuất tăng mức tạm ứng có thể coi là tình huống phát sinh trong đấu thầu. Trong trường hợp này, thì việc xử lý tình huống được thực hiện trên cơ sở bảo đảm tuân thủ mức tỷ lệ tạm ứng theo quy định của pháp luật về xây dựng và nhà thầu phải thực hiện biện pháp bảo lãnh tiền tạm ứng theo quy định của pháp luật. Nhà thầu chịu trách nhiệm quản lý việc sử dụng vốn tạm ứng đúng mục đích, đúng đối tượng, có hiệu quả. Nghiêm cấm việc tạm ứng mà không sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích (khoản 3 Điều 92 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP).