Đối với tình huống này, chuyên gia của chúng tôi trả lời như sau:
Luật đấu thầu (Điều 4 khoản 35) quy định nhà thầu chính là nhà thầu chịu trách nhiệm tham dự thầu, đứng tên dự thầu và trực tiếp ký, thực hiện hợp đồng nếu được lựa chọn. Nhà thầu chính có thể là nhà thầu độc lập hoặc thành viên của nhà thầu liên danh. Như vậy, khi tham gia đấu thầu thì tất cả thành viên liên danh đều là nhà thầu chính. Trường hợp nhà thầu trúng thầu thì khi ký kết hợp đồng, các thành viên liên danh là một bên của hợp đồng.
Theo hướng dẫn tại Mục 2.1 Chương III các Mẫu Hồ sơ mời thầu gói thầu xâỵ lắp ban hành kèm Thông tư số 03/2015/TT-BKHĐT ngày 06/5/2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, một trong các tiêu chí để đánh giá năng lực và kinh nghiệm của nhà thầu là lịch sử không hoàn thành hợp đồng. Việc đánh giá tiêu chí không hoàn thành hợp đồng thực hiện theo Ghi chú (2) của Mục này.
Đối với trường hợp này, trường hợp nhà thầu liên danh A + B đã bị chủ đầu tư kết luận không hoàn thành hợp đồng theo hướng dẫn nêu trên thì tất cả thành viên liên danh đều bị coi là vi phạm tiêu chí này khi tham gia đấu thầu gói thầu tiếp theo vì: (i) các thành viên liên danh đều là nhà thầu chính khi tham gia đấu thầu theo quy định tại khoản 35 Điều 4 Luật đấu thầu như nêu trên, tất cả nhà thầu chính tham gia đấu thầu đều phải chịu trách nhiệm nếu không hoàn thành hợp đồng theo quy định của hợp đồng; (ii) các thành viên liên danh đều phải chịu trách nhiệm chung, trách nhiệm riêng theo văn bản thỏa thuận liên danh nêu tại khoản 3 Điều 5 Luật đấu thầu; (iii) văn bản thỏa thuận liên danh thể hiện sự ràng buộc không thể tách rời của các thành viên để tham gia đấu thầu và thực hiện hợp đồng, do vậy, việc không hoàn thành hợp đồng của nhà thầu liên danh không thể coi là hành vi vi phạm của riêng một thành viên nào đó trong liên danh.