Nêu nhãn hiệu hàng hóa trong chào hàng cạnh tranh có bị cấm?

Luật Đấu thầu (Điều 89 Khoản 6 Điểm i) quy định một trong các hành vi bị cấm trong đấu thầu là nêu yêu cầu cụ thể về nhãn hiệu, xuất xứ hàng hoá trong hồ sơ mời thầu đối với gói thầu mua sắm hàng hoá, xây lắp hoặc gói thầu hỗn hợp khi áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế.

Hỏi: Bên mời thầu là đơn vị X đang thực hiện gói thầu mua sắm hàng hóa theo hình thức chào hàng cạnh tranh. Khi lập hồ sơ yêu cầu, đơn vị X dự kiến quy định rõ xuất xứ, nhãn hiệu và mô tả chi tiết đặc tính kỹ thuật, thiết kế công nghệ, tiêu chuẩn công nghệ của hàng hóa để các nhà thầu làm cơ sở chào giá trong hồ sơ đề xuất có phù hợp?

Mô tả

Đối với tình huống này, chuyên gia của chúng tôi trả lời như sau:

Luật Đấu thầu (Điều 89 Khoản 6 Điểm i) quy định một trong các hành vi bị cấm trong đấu thầu là nêu yêu cầu cụ thể về nhãn hiệu, xuất xứ hàng hoá trong hồ sơ mời thầu đối với gói thầu mua sắm hàng hoá, xây lắp hoặc gói thầu hỗn hợp khi áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế.

Đối với trường hợp của đơn vị X, việc nêu nhãn hiệu hàng hóa khi lập hồ sơ yêu cầu chào hàng cạnh tranh không thuộc sự điều chỉnh của quy định nêu trên. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 4 Thông tư số 11/2015/TT-BKHĐT quy định chi tiết lập hồ sơ yêu cầu chỉ định thầu, chào hàng cạnh tranh, đối với gói thầu áp dụng hình thức chào hàng cạnh tranh, khi đưa ra yêu cầu đối với hàng hóa cần quy định đặc tính kỹ thuật, tiêu chuẩn sản xuất, tiêu chuẩn chế tạo, công nghệ mang tính chất trung tính, không đưa ra các đặc tính kỹ thuật, tiêu chuẩn mang tính cá biệt hóa mà không phải là đặc tính cơ bản của sản phẩm để chỉ một hoặc một số ít nhà thầu đáp ứng yêu cầu, làm hạn chế sự tham gia của các nhà thầu, gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng. Trường hợp không thể mô tả được hàng hóa cần mua theo đặc tính kỹ thuật, thiết kế công nghệ, tiêu chuẩn công nghệ thì mới được phép nêu nhãn hiệu, catalô của một sản phẩm cụ thể để tham khảo, minh họa cho yêu cầu về kỹ thuật của hàng hóa nhưng phải ghi kèm theo cụm từ “hoặc tương đương” sau nhãn hiệu, catalô, đồng thời quy định rõ nội hàm tương đương với hàng hóa đó về đặc tính kỹ thuật, tính năng sử dụng, tiêu chuẩn công nghệ và các nội dung khác (nếu có) mà không quy định tương đương về xuất xứ.

Như vậy, khi bên mời thầu X đã mô tả được hàng hóa cần mua theo đặc tính kỹ thuật, thiết kế công nghệ, tiêu chuẩn công nghệ thì việc quy định nội dung xuất xứ, nhãn hiệu trong hồ sơ yêu cầu là không phù hợp với quy định của pháp luật đấu thầu. Ngoài ra, cần lưu ý việc mô tả hàng hóa cần mua phải bảo đảm không mang tính cá biệt hóa, làm cho chỉ một hoặc một số ít sản phẩm đáp ứng yêu cầu, làm hạn chế sự tham gia của các nhà thầu khác.

Trên đây là câu trả lời theo quy định của pháp luật về đấu thầu năm 2013, chúng tôi sẽ hiệu chỉnh theo quy định theo pháp luật về đấu thầu năm 2023. Tuy nhiên, bạn có thể thấy, mỗi đáp án đều được tham chiếu theo các quy định pháp luật cụ thể, chính xác, thể hiện tính chuyên nghiệp cao của chúng tôi. Xin mời bạn theo dõi Chuyên mục Tình huống Đấu thầu để có nhiều thông tin bổ ích!

Ps: Tình huống của bạn là gì? Hãy liên lạc với chúng tôi, chúng tôi sẽ giải đáp giúp bạn. Nếu bạn cần tính pháp lý của câu trả lời, chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ bạn xin hướng dẫn bằng Văn bản của Cục Quản lý Đấu thầu – Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong thời gian ngắn nhất!

Mọi thông tin xin liên hệ:

Hân hạnh chào đón Bạn tham gia Cộng đồng Đấu thầu dưới đây để chúng ta cùng thảo luận mọi vấn đề xảy ra trong hoạt động đấu thầu.

Xin trân trọng cảm ơn!