Đối với tình huống này, chuyên gia của chúng tôi trả lời như sau:
Theo quy định tại Nghị định số 63/2014/NĐ-CP (Điều 16 khoản 1 và 2) thì sau khi mở thầu, nhà thầu có trách nhiệm làm rõ HSDT theo yêu cầu của bên mời thầu, bổ sung tài liệu để chứng minh tư cách hợp lệ, năng lực và kinh nghiệm. Đối với các nội dung đề xuất về kỹ thuật, tài chính nêu trong HSDT của nhà thầu, việc làm rõ phải bảo đảm nguyên tắc không làm thay đổi nội dung cơ bản của HSDT đã nộp, không thay đổi giá dự thầu. Trường hợp sau khi đóng thầu, nếu nhà thầu phát hiện HSDT thiếu các tài liệu chứng minh tư cách hợp lệ, năng lực và kinh nghiệm thì nhà thầu được phép gửi tài liệu đến bên mời thầu để làm rõ tư cách hợp lệ, năng lực và kinh nghiệm của mình. Bên mời thầu có trách nhiệm tiếp nhận những tài liệu làm rõ của nhà thầu để xem xét, đánh giá; các tài liệu bổ sung, làm rõ về tư cách hợp lệ, năng lực và kinh nghiệm được coi như một phần của HSDT.
Theo đó, trong quá trình đánh giá HSDT, nếu thấy nhà thầu không đạt về năng lực và kinh nghiệm theo yêu cầu của HSMT thì bên mời thầu cần gửi văn bản yêu cầu nhà thầu làm rõ về năng lực và kinh nghiệm. Nhà thầu được phép bổ sung, thay thế hợp đồng tương tự để chứng minh năng lực của mình vì điều này không làm thay đổi bản chất của nhà thầu. Còn đối với vấn đề nhân sự thì nhà thầu chỉ được phép bổ sung, làm rõ năng lực, kinh nghiệm của nhân sự đã đề xuất chứ không được thay đổi nhân sự tham gia đấu thầu.
Về vấn đề nhân sự tham gia đấu thầu có bằng cấp, chứng chỉ đại học nhưng thiếu tháng theo yêu cầu của HSMT (ngày cấp bằng là 20/8/2014, ngày đóng thầu là 12/7/2017 thiếu hơn 1 tháng so với yêu cầu của 3 năm của HSMT) thì có 2 cách tính: cách tính tương đối và cách tính tuyệt đối. Nếu tính tương đối thì từ năm 2014 – 2017 được xem là 3 năm; còn nếu tính tuyệt đối thì 3 năm phải tròn 36 tháng (đối với trường hợp này thì HSMT cần phải nói rõ là bằng cấp, chứng chỉ của nhân sự có thời hạn đủ 3 năm kinh nghiệm, tính đến thời điểm đóng thầu).