Xác định giá gói thầu thế nào đối với hình thức hợp đồng EC

Chủ đầu tư X của một dự án đang thực hiện gói thầu về Thiết kế và Xây dựng (EC) có câu hỏi như sau:

Theo Nghị định số 32/2015/NĐ-CP ngày 25/3/2015 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng: Điều 12 quy định chung về dự toán gói thầu xây dựng, như vậy đối với dự toán các gói thầu theo các điều 13, 14, 15,16 phải tuân thủ các quy định chung tại Điều 12 Nghị định nêu trên. Cụ thể:

Tại Khoản 1, Điều 12 Nghị định số 32/2015/NĐ-CP ngày 25/3/2015 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng quy định “Dự toán gói thầu xây dựng xác định theo từng gói thầu, phù hợp với kế hoạch lựa chọn nhà thầu, dự toán xây dựng công trình đã được phê duyệt và được thực hiện trước khi tổ chức lựa chọn nhà thầu xây dựng”.

Tại Khoản 3, Điều 12 Nghị định số 32/2015/NĐ-CP ngày 25/3/2015 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng quy định: “Chủ đầu tư tổ chức xác định, cập nhật dự toán gói thầu xây dựng, thực hiện thẩm định, phê duyệt để thay thế giá gói thầu xây dựng ghi trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu đã phê duyệt, làm cơ sở để lập Hồ sơ mời thầu hoặc Hồ sơ yêu cầu và đánh giá lựa chọn nhà thầu xây dựng”.

Tuy nhiên, đối với gói thầu EC, công tác phê duyệt dự toán công trình được thực hiện sau khi lựa chọn được nhà thầu EC, do đó chưa có cơ sở để xem xét sự phù hợp của dự toán gói thầu xây dựng với dự
toán công trình đã được phê duyệt và chưa có cơ sở để lập Hồ sơ mời thầu theo các quy định nêu trên.

Vì vậy, Chủ đầu tư X đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn nội dung sau:

Việc căn cứ vào dự án đã được phê duyệt để lập, thẩm định và phê duyệt dự toán giá gói thầu, lập hồ sơ mời thầu, lựa chọn nhà thầu thực hiện dự án mà chưa xem xét đến sự phù họp của dự toán gói thầu với dự toán công trình có trái với các quy định hiện hành hay không?

Giá hợp đồng với nhà thầu được xác định trên trên cơ sở tổng mức đầu tư đã được phê duyệt; giá hợp đồng chính thức xác định sau khi dự toán công trình được cấp có thẩm quyền phê duyệt ở bước tiếp theo có phù hợp với các quy định hiện hành?

Mô tả

Đối với tình huống này, chuyên gia của chúng tôi trả lời như sau:

Luật đấu thầu (Điều 4 khoản 21 và Điều 65 khoản 3) quy định giá hợp đồng là giá trị ghi trong văn bản hợp đồng làm căn cứ để tạm ứng, thanh toán, thanh lý và quyết toán hợp đồng. Hợp đồng được ký kết giữa các bên phải phù hợp với nội dung trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất, kết quả thương thảo hợp đồng, quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu.

Đối với tình huống này, việc ký kết hợp đồng được thực hiện theo quy định nêu trên. Theo đó, giá hợp đồng được xác định trên cơ sở giá trúng thầu ghi trong quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu mà không phụ thuộc vào dự toán gói thầu. Trường hợp bổ sung khối lượng công việc ngoài hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu dẫn đến giá họp đồng vượt giá trúng thầu thì phải bảo đảm giá hợp đồng không được vượt giá gói thầu hoặc dự toán được phê duyệt; nếu dự án, dự toán mua sắm gồm nhiều gói thầu, tổng giá hợp đồng phải bảo đảm không vượt tổng mức đầu tư, dự toán mua sắm được phê duyệt (khoản 4 Điều 65 Luật đấu thầu).

Ngoài ra, theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 35 Luật đấu thầu thì giá gói thầu được xác định trên cơ sở tổng mức đầu tư hoặc dự toán (nếu có) đối với dự án; dự toán mua sắm đối với mua sắm thường xuyên. Giá gói thầu được tính đúng, tính đủ toàn bộ chi phí để thực hiện gói thầu, kể cả chi phí dự phòng, phí, lệ phí và thuế.

Bên cạnh đó, Chủ đầu tư X nên tham khảo thêm ý kiến của Bộ XD để được hướng dẫn thêm về Nghị định 32/2015/NĐ-CP.

Đáp án sẽ phải hiệu chỉnh theo Luật đấu thầu 2023. Tuy nhiên, bạn có thể thấy, mỗi đáp án đều được tham chiếu theo các quy định pháp luật cụ thể, chính xác, thể hiện tính chuyên nghiệp cao. Hãy tham gia vào Group của chúng tôi để cùng thảo luận nhé. Ngoài ra, nếu cần, chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ bạn xin hướng dẫn bằng Văn bản của Cục Quản lý Đấu thầu trong thời gian ngắn nhất;

  1. Group Zalo: Nhấn vào đây!
  2. Group Facebook: Nhấn vào đây!
  3. Group Youtube: Nhấn vào đây!