Đối với tình huống này, chuyên gia của chúng tôi trả lời như sau:
Nghị định số 63/2014/NĐ-CP (Điều 16 khoản 2) quy định trường hợp sau khi đóng thầu, nếu nhà thầu phát hiện hồ sơ dự thầu thiếu các tài liệu chứng minh tư cách hợp lệ, năng lực và kinh nghiệm thì nhà thầu được phép gửi tài liệu đến bên mời thầu để làm rõ về tư cách hợp lệ, năng lực và kinh nghiệm của mình. Bên mời thầu có trách nhiệm tiếp nhận những tài liệu làm rõ của nhà thầu để xem xét, đánh giá; các tài liệu bổ sung, làm rõ về tư cách hợp lệ, năng lực và kinh nghiệm được coi như một phần của hồ sơ dự thầu.
Theo quy định tại Mục 4 Chỉ thị số 03/CT-BKHĐT ngày 24/5/2018 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc chấn chỉnh công tác đấu thầu, tăng cường hiệu lực, hiệu quả và đẩy lùi tình trạng tiêu cực, vi phạm trong đấu thầu, việc làm rõ HSDT/HSĐX phải được thực hiện theo đúng quy định tại các Điều 16, Điều 27 và Điều 37 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP. Không được loại nhà thầu tại bước kiểm tra tính hợp lệ hồ sơ dự thầu do thiếu tài liệu chứng minh tư cách hợp lệ, năng lực, kinh nghiệm khi chưa thực hiện làm rõ hồ sơ dự thầu; nghiêm cấm việc làm rõ hồ sơ dự thầu dẫn đến thay đổi bản chất của nhà thầu tham dự thầu, nội dung cơ bản của hồ sơ dự thầu đã nộp; đối với các tài liệu về năng lực, kinh nghiệm do nhà thầu gửi đến bên mời thầu, chủ đầu tư trong thời gian đánh giá hồ sơ dự thầu phải được tiếp nhận để xem xét, đánh giá năng lực, kinh nghiệm.
Theo đó, trường hợp trong quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu, nhà thầu nộp bổ sung các hợp đồng (không kê khai trong hồ sơ dự thầu) để chứng minh kinh nghiệm của nhân sự chủ chốt, kinh nghiệm cung cấp hàng hóa tương tự của nhà thầu thì bên mời thầu có trách nhiệm phải tiếp nhận để xem xét, đánh giá. Việc nhà thầu nộp bổ sung họp đồng trong trường hợp này không làm thay đổi nội dung cơ bản của hồ sơ dự thầu đã nộp. Tuy nhiên, nhà thầu phải bảo đảm các hợp đồng mà mình nộp bổ sung là hợp lệ, hợp pháp theo quy định của pháp luật.